Nguyên nhân là vì họ cho rằng những nỗ lực trên đã phản tác dụng và gây tổn hại đến danh tiếng quốc tế của Trung Quốc. Cảnh báo trên được đưa ra sau khi có những phản ứng tiêu cực trong khu vực và quốc tế đối với chính sách ngoại giao của Trung Quốc trong bối cảnh khủng hoảng y tế toàn cầu, đặc biệt là chính sách “Chiến binh sói”.

Hiếm khi các nhà quan sát Trung Quốc đưa ra những cảnh báo thẳng thừng như vậy về chiến thuật của đất nước, đặc biệt là khi Trung Quốc đã có những phát biểu ngày càng gay gắt nhắm vào Mỹ và các đồng minh phương Tây trong 2 năm qua.

Tuy nhiên, ông Shi Zhan, phó giáo sư và giám đốc của Trung tâm Chính trị thuộc trường ĐH Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng sự gia tăng chủ nghĩa dân tộc trong số các nhà ngoại giao đặc biệt nguy hiểm, bởi nó gây ra tình trạng mất lòng tin ngày càng lớn và sự tránh né Trung Quốc của các nước phương Tây.

Các chuyên gia ngoại giao cảnh báo Trung Quốc nên kiềm chế chủ nghĩa dân tộc. Ảnh: SCMP

Theo lời ông Shi, những bình luận làm chệch hướng các chỉ trích nhắm vào vấn đề chất lượng khẩu trang và các thiết bị y tế xuất khẩu của Trung Quốc giống như của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đặc biệt phản tác dụng. Vào ngày 20-3, ông Triệu tuyên bố rằng “nếu có ai đó khẳng định sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc độc hại thì đừng dùng khẩu trang và đồ bảo hộ do Trung Quốc sản xuất nữa”.

Ông Shi lý giải: “Đối với những người nước ngoài, ông Triệu nói như thể ông đang sử dụng nguồn cung cấp khẩu trang như một mối đe dọa và nó lập tức trở thành vấn đề an ninh khi khẩu trang bị xem như vũ khí”.

Ngoài ra, ông Shi còn cảnh báo những thay đổi trong dây chuyền cung cấp toàn cầu có thể mang đến thách thức lớn với kinh tế Trung Quốc. “Cách tiếp cận của những chiến binh sói là không bền vững vì càng cứng rắn bạn sẽ càng bị cô lập và đẩy xa khỏi thế giới” – ông Shi nói thêm.

Phát biểu tại một cuộc hội thảo ở Bắc Kinh ngày 15-4, ông Cheng Tao, cựu công sứ của Trung Quốc tại Mali và Morocco, cảnh báo dù Bắc Kinh có thiện ý trợ giúp y tế, họ vẫn có thể đối mặt với những chỉ trích gay gắt trên thế giới, bao gồm cả các nước châu Phi.

Ông Cheng cho rằng dịch Covid-19 nên được xem như một “hồi chuông cảnh tỉnh” cho chính phủ và người dân trong một thế giới ngày càng hỗn loạn khi phải đối mặt với thiệt hại kinh tế tàn khốc và sự đối địch leo thang với Mỹ cùng các đồng minh.

Khi nhận thấy sự thay đổi trong hành động và giọng điệu của nhiều quan chức ngoại giao cấp cao, ông Cheng bày tỏ sự phản đối với những phát ngôn nhạy cảm, thái độ nghênh ngang về ngoại giao và hả hê trước tình cảnh của những nước khác. Ông cho rằng những điều này “không những không có ích mà sẽ quay lại ám ảnh chính chúng ta”.

Theo Báo Người lao động