Số ca nhiễm virus corona chủng mới gây dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) tại Nga đã tăng vọt lên vị trí thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Thủ đô Moscow bị ảnh hưởng nặng nề nhất, chiếm khoảng 1/2 trong tổng số hơn 281.000 ca nhiễm tại Nga.

Trong cuộc họp trực tuyến tuần qua với 85 lãnh đạo các khu vực ở Nga, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng các lãnh đạo địa phương chịu trách nhiệm đưa ra quyết định về việc nên tiếp tục áp đặt các biện pháp phong tỏa hay bắt đầu dỡ bỏ hạn chế để mở cửa nền kinh tế.

Theo thống kê chính thức, đại dịch Covid-19 đã hiện diện ở tất cả các khu vực tại Nga, từ TP Kaliningrad nằm giữa Ba Lan và Litva đến khu tự trị Chukotka. Nhiều nơi tại Nga ghi nhận số ca nhiễm và tử vong chênh lệch trong báo cáo của địa phương và chính phủ.

Theo đài CNN, các nhà quan sát lưu ý số ca tử vong do dịch Covid-19 tương đối thấp, với hơn 2.600 ca dù Nga có số ca nhiễm cao thứ hai thế giới. Tại thủ đô Moscow, các quan chức y tế phản đối thông tin hoài nghi số ca tử vong thấp khi cho rằng dữ liệu này “hoàn toàn công khai”. Tuy nhiên, cơ quan y tế thủ đô Moscow cũng thừa nhận họ chỉ tính các trường hợp tử vong do các biến chứng liên quan đến Covid-19 thông qua khám nghiệm tử thi.

Những người tình nguyện đang chuẩn bị các gói thực phẩm từ thiện để phân phát ở thủ đô Moscow – Nga hôm 16-5 Ảnh: Reuters

Khi các trường hợp nhiễm Covid-19 bắt đầu tăng mạnh hồi tháng 4, chính quyền thủ đô Moscow đã đưa vào hoạt động một bệnh viện mới được xây dựng trong vòng một tháng, đồng thời triển khai chương trình xét nghiệm quy mô lớn miễn phí cho người dân. Trong khi đó, thị trưởng Moscow Sergey Sobyanin khẳng định chưa vội chấm dứt lệnh phong tỏa ở thủ đô. Quan chức này cho rằng: “Sớm kết thúc các hạn chế phòng dịch sẽ gây nguy cơ bùng phát đại dịch lần thứ hai”.

Nga cho rằng số ca nhiễm cao được ghi nhận do nước này đã tiến hành hơn 6 triệu ca xét nghiệm. Về số ca tử vong thấp dù có số ca nhiễm cao thứ hai thế giới, chính quyền Nga lý giải nước này học được bài học kinh nghiệm của châu Âu, nhanh chóng khoanh vùng du khách và người dân nghi nhiễm, xét nghiệm và cách ly người nhiễm.

Dịch Covid-19 cũng tiếp tục diễn biến khó lường tại Brazil khi số ca nhiễm ở nước này bất ngờ vượt qua Tây Ban Nha và Ý, những nơi từng là tâm dịch châu Âu. Với tổng ca nhiễm và tử vong do Covid-19 lần lượt được ghi nhận hơn 233.000 và ít nhất 15.600 ca, áp lực đang đè nặng lên Tổng thống Jair Bolsonaro khi nước này liên tiếp mất đi 2 bộ trưởng y tế chỉ trong vòng một tháng.

Theo hãng tin Reuters, ông Bolsonaro đã phớt lờ ý kiến của các chuyên gia y tế về các biện pháp phòng dịch, đồng thời kêu gọi sử dụng rộng rãi những loại thuốc chưa được chứng minh có hiệu quả đối với Covid-19. Tổng thống Brazil cũng lập luận rằng các thiệt hại về kinh tế là không thể chịu đựng thêm nữa và các doanh nghiệp cần được phép mở cửa trở lại càng sớm càng tốt.

Theo Báo Người lao động