Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 8-6 cảnh báo Trung Quốc “đang nhân rộng các mối đe dọa đối với các xã hội mở và quyền tự do cá nhân”, đồng thời kêu gọi các nước cùng chí hướng tham gia liên minh quân sự để đứng lên chống lại “những kẻ bắt nạt và ép buộc”. Theo ông, cách Trung Quốc xử lý đại dịch đã làm gia tăng căng thẳng hiện tại với các nước trong và ngoài NATO.

Ông Jens Stoltenberg nói rằng các mối đe dọa do Bắc Kinh đặt ra đòi hỏi một cách tiếp cận toàn cầu hơn trong bối cảnh nước này nằm trong nhóm ba nước có chi tiêu lớn nhất về quân sự, chỉ sau Mỹ và xếp trước Ấn Độ. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump, vốn trừng phạt các đồng minh NATO vì đã không chi nhiều hơn cho quân đội của họ, cũng tìm kiếm sự hỗ trợ quốc tế nhằm tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc về cơ bản đang làm thay đổi cán cân sức mạnh toàn cầu. Ảnh: AP

Ông Stoltenberg cho rằng “sự trỗi dậy của Trung Quốc về cơ bản đang làm thay đổi cán cân sức mạnh toàn cầu, làm nóng cuộc đua giành quyền tối cao về kinh tế và công nghệ, tăng sự cạnh tranh về giá trị và lối sống của chúng ta”. “Trung Quốc đang đến gần chúng ta hơn trong không gian ảo. Chúng ta thấy họ ở Bắc Cực, ở châu Phi. Chúng ta thấy họ đầu tư vào cơ sở hạ tầng quan trọng của chúng ta” – Tổng thư ký NATO nói tiếp.

Mặc dù đưa ra cảnh báo nhưng ông Jens Stoltenberg nói rằng liên minh không coi Trung Quốc là “kẻ thù”. Ông vẫn lưu ý cần sẵn sàng để đối phó với các thách thức từ quốc gia này.

Tổng thư ký NATO nhắc lại rằng trong cuộc họp hồi tháng 12-2019 tại thủ đô London của Anh, lãnh đạo của các nước NATO lần đầu tiên trong lịch sử liên minh đã đồng ý rằng NATO sẽ buộc phải phản ứng với những hậu quả an ninh do ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, bao gồm cả việc phát triển tên lửa của nước này có thể tiếp cận các quốc gia liên minh với NATO.

Ông Stoltenberg tin rằng NATO cần tiến hành đối thoại với Nga. Nga là một nước láng giềng của NATO và liên minh cần có một cuộc đối thoại với phía Nga, đặc biệt là về kiểm soát vũ khí. Song song đó, NATO cần phải làm việc chặt chẽ hơn nữa với các quốc gia như Úc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc để bảo vệ các tổ chức toàn cầu, thiết lập các quy tắc cho không gian vũ trụ, không gian mạng, công nghệ mới và kiểm soát vũ khí toàn cầu.

Ông Stoltenberg cũng đưa ra một quy trình đánh giá nhằm hướng tới bảo vệ tương lai của NATO sau những bất đồng với ông Trump. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng nói rằng NATO đang bị “chết não” bởi vì thiếu sự phối hợp chiến lược giữa Mỹ và các đồng minh khác, khiến nhiều người châu Âu phẫn nộ.

Theo Báo Người lao động